Từ nhặt giấy vụn đến ‘nữ hoàng’ tỷ đô Trung Quốc

Lê Thị Phương Lan
Zhang Yin, sinh năm 1957 tại Quảng Đông, từng trải qua tuổi thơ khốn khó. Trong gia đình nghèo, cả nhà bà chỉ được ăn thịt vào dịp Tết. Bi kịch ập đến năm bà 15 tuổi, khi cha qua đời. Là con gái lớn, Zhang Yin buộc phải bỏ học, cùng mẹ nuôi các em.

Zhang Yin, nữ hoàng giấy, tỷ phú tự thân, công ty Nine Dragons Paper, tái chế giấy

Không bằng cấp, bà xin làm những công việc vặt, nhờ sự chăm chỉ và nhạy bén, dần trở thành kế toán cho một công ty nhỏ ở Thâm Quyến.

Bước ngoặt cuộc đời Zhang Yin đến trong một chuyến công tác Hong Kong, nơi bà choáng ngợp khi thấy vô số giấy vụn bị vứt đi, trong khi tại Trung Quốc đại lục, giấy là nguồn nguyên liệu vô cùng khan hiếm. Ý tưởng kinh doanh giấy phế liệu nảy ra từ đó.

Dù gia đình phản đối, năm 27 tuổi, Zhang Yin vẫn quyết định rời Thâm Quyến, mang theo chút vốn vay mượn để khởi nghiệp ở Hong Kong. Trước khi đi, bà nói với mẹ: “Con không muốn cả đời chỉ sống chật vật như vậy.”

Tại Hong Kong, Zhang Yin bắt đầu với chiếc xe ba gác cũ, lang thang khắp phố thu gom phế liệu. Bữa ăn của bà nhiều khi chỉ là bánh bao và dưa muối. Công việc vừa nặng nhọc, vừa đầy mánh khóe. Giấy thu gom thường bị trộn lẫn rác, giấy ướt để tăng cân. Để đảm bảo chất lượng, Zhang Yin kiên quyết kiểm tra từng xe hàng, khiến bà trở thành cái gai trong mắt một băng nhóm kiểm soát ngành tái chế giấy Hong Kong.

Bà từng bị đe dọa, thậm chí cửa hàng bị đập phá. Nhưng Zhang Yin không lùi bước. Sự kiên trì giúp bà vừa xây dựng được uy tín, vừa buộc các băng nhóm phải dè chừng.

Nhận thấy nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc về giấy tái chế, năm 1988, Zhang Yin mở nhà máy giấy đầu tiên tại Đông Hoản. Chưa dừng lại, trong một chuyến đi Mỹ, bà nhận thấy Mỹ có nguồn giấy phế liệu dồi dào và hệ thống tái chế quy củ. Bà cùng chồng lập công ty Trung Nam Holdings ở Mỹ, chuyên thu mua giấy phế liệu vận chuyển về Trung Quốc, đi trước nhiều đối thủ.

Năm 1996, bà thành lập công ty giấy Cửu Long (Nine Dragons Paper), đầu tư 110 triệu tệ. Nhờ nguồn nguyên liệu ổn định từ Mỹ, Nine Dragons nhanh chóng trở thành tập đoàn sản xuất giấy bìa lớn, với sản lượng hàng năm đạt 200.000 tấn. Công ty mang về lợi nhuận trung bình 7 tỷ tệ mỗi năm, giúp Zhang Yin được mệnh danh “nữ hoàng giấy” và lọt vào danh sách những người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc.

Năm 2005, Nine Dragons Paper vượt qua Chenming Paper, trở thành nhà sản xuất giấy lớn nhất Trung Quốc, đứng thứ hai châu Á và thứ tám thế giới. Một năm sau, Nine Dragons niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong. Tài sản Zhang Yin đạt 4,1 tỷ USD, đưa bà trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc theo Hurun Rich List.

Năm 2010, ở tuổi 53, bà trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới, với tài sản ước tính 38 tỷ tệ. Đến 2024, bà vẫn nằm trong nhóm những phụ nữ giàu nhất châu Á.

Tuy nhiên, đế chế Nine Dragons của Zhang Yin cũng vướng không ít tranh cãi. Các nhà máy giấy của bà nhiều lần bị cáo buộc xả thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước. Khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt quy định môi trường, Zhang Yin dần dịch chuyển các nhà máy sang Mỹ. Bà cũng quyết định đổi quốc tịch.

Quyết định này khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng. Nhiều người chỉ trích bà “kiếm bộn tiền nhờ hủy hoại môi trường Trung Quốc rồi phủi tay ra đi,” cáo buộc bà vô trách nhiệm với mảnh đất đã nuôi dưỡng mình.

Hành trình từ cô gái nhặt giấy vụn đến “nữ hoàng giấy” tỷ đô của Zhang Yin không chỉ là câu chuyện về ý chí và khát vọng vươn lên, mà còn phơi bày những mảng tối phía sau thành công, nơi ranh giới giữa làm giàu và trách nhiệm xã hội vẫn luôn mờ nhạt.