Kết giao đúng người
Nhiều người tưởng giàu có đồng nghĩa với việc bạn phải quen biết thật nhiều. Nhưng với Warren Buffett, chuyện đó không đơn giản như đếm số danh thiếp hay lượt follow trên mạng xã hội. Giá trị mối quan hệ đến từ sự chân thành và khả năng tạo ảnh hưởng tích cực, không phải từ vẻ ngoài phô trương.
Chuyện tỷ phú Duan Yongping - người sáng lập Oppo và Vivo - bỏ ra 620.000 USD chỉ để ăn trưa với Buffett là ví dụ điển hình. Sau cuộc gặp, tài sản của ông tăng trưởng mạnh mẽ. Hay Huang Zheng, cha đẻ của Pinduoduo, từng đồng hành trong bữa trưa với Buffett và giờ cũng ghi tên mình trong danh sách tỷ phú.
Buffett tin rằng những mối quan hệ thực sự giá trị sẽ được đền đáp theo thời gian. Chúng không đến dễ dàng, mà phải được nuôi dưỡng bằng sự kiên trì và tôn trọng lẫn nhau.
Tập trung đúng việc
“Vấn đề không phải bạn làm bao nhiêu giờ, mà bạn bỏ công sức vào việc gì.” Buffett từng khuyên các sinh viên Đại học Columbia như vậy. Ông còn dùng hình ảnh ví von đầy thú vị: “Nếu suốt đời bạn chỉ được phép vung gậy đánh golf 20 lần, bạn có còn vung bừa không?”
Mỗi quyết định lớn với Buffett giống như một cú đánh bóng quý giá. Phải chính xác, vì cơ hội không nhiều.
Ngày “Thứ 2 đen” năm 1987, cả thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ. Phần lớn nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo, còn Buffett thì lặng lẽ ngồi đọc lại 10 năm báo cáo tài chính Coca-Cola. Ông thấy đây là thương hiệu bám rễ sâu trong thói quen người tiêu dùng, giống như chiếc máy in tiền bền vững. Kết quả, thay vì bán tháo, ông giữ vững khoản đầu tư và sau này thu lợi gấp hơn 30 lần.
Tương tự, Satya Nadella khi vừa lên làm CEO Microsoft năm 2014 đã quyết đoán từ bỏ mảng điện thoại và chuyển hết sức lực sang điện toán đám mây. Chỉ trong 7 năm, Microsoft đã chạm mức vốn hóa 3.000 tỷ USD.
Như tác giả Greg McKeown từng nói: “Làm nhiều chưa chắc đã tốt. Đôi khi còn là thảm họa.”
Tạo ra giá trị không thể sao chép
Khi Mark Zuckerberg 19 tuổi gõ những dòng code đầu tiên, Facebook chỉ là một website chấm điểm nhan sắc trong trường đại học. Nhưng 10 năm sau, Facebook đã trở thành pháo đài không đối thủ, nhờ hiệu ứng mạng – mỗi người dùng mới không chỉ tăng giá trị thêm một đơn vị, mà còn làm cả hệ thống mạnh lên theo cấp số nhân.
Jeff Bezos cũng không phát minh ra điện toán đám mây, nhưng ông nhìn ra cách biến các máy chủ “nằm chơi” thành nhà máy điện kỹ thuật số, mang về cho Amazon hơn 80 tỷ USD mỗi năm.
Buffett luôn cho rằng sáng tạo không nhất thiết là phát minh ra thứ chưa ai từng nghĩ đến. Đôi khi chỉ là sắp xếp những mảnh ghép cũ theo cách mới.
Ông từng nói, nhiều người ở tuổi 30 vẫn loay hoay vì từng thất bại, mất phương hướng. Nhưng với Buffett, thành công lớn thường đến muộn. Bản thân ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cuốn sách “One Thousand Ways to Make $1000” (1.000 cách kiếm 1.000 đô) mà ông đọc lúc nhỏ. Cuốn sách không phải phép màu, nhưng giúp ông thấm thía sức mạnh của lãi kép – điều tạo nên sự giàu có bền vững.
“Nếu bạn đang chật vật về tiền bạc, hãy tìm cuốn sách đó mà đọc. Không vì nó dạy bí kíp giàu nhanh, mà vì nó chỉ ra sự thật: Muốn giàu, không chỉ cần chăm chỉ, mà còn phải biết chọn đúng tuyết và đúng sườn dốc,” Buffett khuyên.
Vì đời luôn gập ghềnh, nhưng nếu chọn đúng sườn dốc, quả cầu tuyết sẽ tự lăn và ngày càng lớn.