Người trẻ Singapore không muốn gắn bó lâu dài với công ty

Trung Nguyễn
Nhiều người trẻ Singapore rời bỏ công việc chỉ sau 1-3 năm, không còn mặn mà gắn bó dài lâu như thế hệ trước. Xu hướng này tạo áp lực lên doanh nghiệp về chi phí đào tạo và giữ chân nhân tài.

Gen Z Singapore, nhảy việc, nhân sự trẻ, thị trường lao động, việc làm Singapore

Ngày càng nhiều người trẻ Singapore chọn rời bỏ công việc hiện tại chỉ sau một vài năm gắn bó. Thay vì gắn bó dài hạn, họ coi việc nhảy việc là cách phát triển kỹ năng, thương lượng mức lương tốt hơn và tìm kiếm môi trường phù hợp.

Theo khảo sát của Money Mind, 37% Gen Z Singapore cho biết họ chỉ muốn làm ở một công ty trong 1-2 năm, mức cao nhất khu vực, vượt xa Trung Quốc (5%). Trong khi đó, chỉ 14% Gen Z tại đảo quốc muốn gắn bó với một công việc từ 5 năm trở lên.

Kumar (27 tuổi), từng làm hành chính tại một trường đại học, vừa quyết định nghỉ việc sau 3 năm để tìm cơ hội mới, bất chấp sự bất ngờ từ mẹ cô: “Con mới làm được 3 năm mà đã muốn nghỉ à? Thế thì còn trung thành gì nữa?”

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc đổi việc không đồng nghĩa với thiếu cam kết. David Blasco, Giám đốc Randstad Singapore, nhận định Gen Z muốn tăng tốc phát triển nghề nghiệp, và đổi việc sau 2-3 năm là cách giúp họ học hỏi nhanh hơn.

“Đại dịch và bất ổn kinh tế khiến khái niệm ‘an toàn việc làm’ ngày càng mong manh. Việc Gen Z thường xuyên chuyển việc là phản ứng hợp lý,” Blasco nói.

Heng T.J. (28 tuổi), nhân viên y tế công cộng, đã đổi việc 3 lần trong 5 năm. Với anh, mốc 2-3 năm là thời gian đủ để học hỏi, nếu không còn phát triển được, anh sẵn sàng ra đi.

Tương tự, một nữ quản lý tài khoản 29 tuổi trong ngành quảng cáo đã trải qua 4 công ty kể từ năm 2020, trung bình mỗi nơi chỉ làm khoảng một năm.

“Tôi luôn đặt mục tiêu rõ ràng khi vào công ty. Khi đạt được mục tiêu, tôi sẽ tìm cơ hội mới, dù chỉ sau một năm,” cô chia sẻ.

Theo Puneet Swani, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Aon, Gen Z coi trọng sự linh hoạt, cơ hội học hỏi và chất lượng quản lý, khác với thế hệ trước vốn ưu tiên ổn định và lương thưởng.

Bên cạnh đó, nhảy việc cũng là cách tăng lương nhanh. Không ít người trẻ thừa nhận mức tăng thu nhập khi chuyển việc cao hơn nhiều so với các đợt tăng lương định kỳ hằng năm.

Tuy vậy, Swani khuyến cáo nhân sự trẻ không nên chỉ chạy theo lương mà nên tính tới việc trau dồi kỹ năng và phát triển dài hạn. “Những nhân viên gắn bó lâu dài thường được đầu tư phát triển và có nhiều cơ hội thăng tiến hơn,” ông nói.

Thách thức cho doanh nghiệp

Gen Z Singapore, nhảy việc, nhân sự trẻ, thị trường lao động, việc làm Singapore

Xu hướng nhảy việc khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí đào tạo và thích nghi nhân sự mới. Blasco cho rằng thay vì chỉ trích, các công ty nên nhìn nhận tích cực, vì Gen Z mang đến sự sáng tạo, tinh thần đổi mới và khả năng thích ứng công nghệ rất cao.

Với nhân sự trẻ, điều quan trọng là chứng minh mỗi lần nhảy việc đều có lý do chính đáng và mang lại giá trị.

Nữ quản lý tài khoản cho biết ngành quảng cáo đánh giá nhân sự qua kinh nghiệm và danh mục khách hàng hơn là thời gian gắn bó tại một công ty. Nhưng cô cũng thừa nhận ở các vị trí nội bộ, nhiều nhà tuyển dụng vẫn đặt câu hỏi về những khoảng thời gian làm việc ngắn.

“Nếu nhà tuyển dụng có tư duy cứng nhắc, liệu bạn có thực sự muốn làm việc cho họ?” Heng đặt vấn đề.

Hiện tại, cả Heng lẫn nữ quản lý đều chưa gặp bất lợi lớn từ việc thường xuyên đổi việc, nhưng họ cho biết quan điểm có thể thay đổi nếu muốn tìm môi trường ổn định hơn trong tương lai.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cảnh báo thế hệ trẻ cần rèn luyện khả năng tư duy phản biện, đặt câu hỏi và linh hoạt hơn để không bị đào thải khỏi thị trường lao động đang biến động nhanh.