Cuộc đời bà gắn liền với những chuỗi ngày vất vả. Lập gia đình, bà vẫn phải bươn chải vì chồng ốm yếu, một mình lo toan kinh tế, vừa làm nông, vừa buôn thúng bán bưng nuôi con. Bi kịch càng thêm chồng chất khi chồng bà qua đời năm 1989, để lại bà một mình nuôi hai con trai.
Sau khi chồng mất, bà Đào mở quán ăn nhỏ cạnh trường học. Quán nhanh chóng đông khách. Ban đầu, bà nghĩ thực khách thích quán vì đồ ăn ngon, nhưng rồi nhận ra “linh hồn” của các món chính là loại tương ớt tự tay bà làm.
Những năm 1990, Quý Châu phát triển các tuyến đường lớn, xe tải tấp nập qua lại. Nhận thấy cánh tài xế chỉ có bánh bao để ăn vội, bà Đào sáng tạo thêm loại nước tương đen cay, giúp bữa ăn của họ đậm đà hơn. Những tài xế, đi khắp đất nước, đã truyền tai nhau về loại tương ớt “gây nghiện” ấy, khiến nhiều người từ xa tìm đến tận nơi để thưởng thức.
Năm 1996, bà quyết định dẹp quán mì, tập trung hoàn toàn vào kinh doanh tương ớt. Hai năm sau, bà lập nhà máy Lao Gan Ma tại Quý Dương, thuê 40 công nhân. Từ đó, thương hiệu Lao Gan Ma dần trở thành gia vị không thể thiếu trên bàn ăn của người Trung Quốc.
Thời gian đầu, bà Đào phải tự mình gõ cửa từng cửa hàng tạp hóa, quán ăn để chào bán sản phẩm. Bà thẳng thắn cam kết: “Không ngon thì không lấy tiền.” Uy tín ấy nhanh chóng đưa Lao Gan Ma phủ sóng khắp thị trường.
Tuy nhiên, khi thương hiệu bắt đầu nổi tiếng, bà Đào phải đối diện với hàng loạt rắc rối. Một thương gia Hồ Nam đã nhanh tay đăng ký tên thương hiệu Lao Gan Ma trước. Khi nhờ cơ quan chức năng can thiệp, bà chỉ nhận được câu trả lời “cả hai bên đều có quyền dùng tên này.”
Không cam chịu, bà Đào nói: “Đây là thương hiệu tôi tạo ra, tôi phải bảo vệ nó.” Cuối cùng, năm 2001, ở tuổi 54, bà thắng kiện. Tòa án Bắc Kinh tuyên bố chỉ mình bà Đào Hoa Bích được phép sử dụng thương hiệu Lao Gan Ma, đối thủ phải bồi thường 400.000 tệ.
Thuở đầu lập xưởng, mọi công đoạn đều làm thủ công. Giã tiêu, thái ớt khiến mắt cay xè, công nhân ai cũng ngại làm. Bà Đào tự tay xắn tay vào bếp. Làm việc lâu ngày với ớt, bà bị viêm khớp vai nặng, móng tay vôi hóa.
Bà ăn ở ngay tại xưởng, ngay cả khi đã xây biệt thự. Phòng bà chỉ có chiếc giường và vài chiếc rương gỗ cũ làm hồi môn. “Nghe tiếng chai lọ trong xưởng mỗi ngày, tôi mới yên tâm,” bà tâm sự.
Bà Đào nổi tiếng là người chủ hết lòng với công nhân. Bà nhớ từng ngày sinh nhật của họ, tiễn nhân viên đi công tác, lắng nghe chuyện gia đình của họ để khuyên nhủ, chia sẻ.
Không chỉ chinh phục thị trường nội địa, bà còn đưa Lao Gan Ma ra thế giới. Trong một cuộc thi thử tương ớt giấu tên tại Mỹ, sản phẩm của bà giành giải nhất. Dù giá bán ở Mỹ cao gấp ba lần ở Trung Quốc, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng móc hầu bao, gọi Lao Gan Ma là “sức mạnh bí ẩn của phương Đông.”
Nhờ đó, công việc kinh doanh của bà ngày càng khấm khá. Năm thứ hai sau khi lập, doanh thu Lao Gan Ma đạt 14 triệu tệ; đến 1999 vượt mốc 100 triệu tệ; và đến 2005 đã cán mốc 1 tỷ tệ. Tương ớt của bà không chỉ phổ biến tại Trung Quốc mà còn nổi tiếng ở Mỹ, châu Phi và nhiều thị trường khác.
Đào Hoa Bích được gọi là “phép lạ của Quý Châu.” Năm 2015, gia đình bà được Forbes xếp vào nhóm các gia đình giàu có nhất Trung Quốc.
Thế nhưng, cuộc đời bà Đào như cuốn tiểu thuyết với hết sóng to lại tới gió lớn. Năm 2015, bà nghỉ hưu, giao việc kinh doanh cho hai con. Con cả, Lý Quý Sơn, đam mê đầu tư, dồn tiền vào 14 công ty, rồi vướng phải cú lừa bất động sản, khiến anh mất trắng 1,4 tỷ tệ. Thương hiệu Lao Gan Ma bị công chúng chỉ trích gay gắt.
Khủng hoảng chưa dứt, con út Lý Diệu Tinh lại quyết định thay ớt Quý Châu bằng ớt Hà Nam rẻ hơn, khiến hương vị sản phẩm thay đổi. Người tiêu dùng quay lưng, Lao Gan Ma đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Năm 2017, doanh thu tụt dốc hai năm liên tiếp. Năm 2019, hai vụ hỏa hoạn liên tiếp tại nhà máy buộc bà Đào, lúc ấy 73 tuổi, phải trở lại thương trường. Bà phục hồi công thức gốc, kiên quyết sử dụng ớt Quý Châu, đồng thời tận dụng livestream trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm.
Nhờ nỗ lực không ngừng, doanh thu Lao Gan Ma năm 2022 đã tăng trở lại, đạt 5,1 tỷ tệ. Năm sau, bà Đào Hoa Bích trở lại danh sách những người giàu Trung Quốc với tài sản ròng ước tính 9 tỷ tệ (khoảng 1,25 tỷ USD).
Dù thương hiệu lớn mạnh, giá một chai Lao Gan Ma suốt nhiều năm vẫn giữ ở mức 9,9 tệ (khoảng 35.000 đồng), bao bì gần như không đổi với hình ảnh bà Đào Hoa Bích. Có người khuyên bà đổi thiết kế để trẻ hóa thương hiệu, nhưng bà nhất quyết không đồng ý: “Khách hàng quan tâm nhất là chất lượng. Nếu ai ăn tương ớt của tôi mà gặp vấn đề, nhìn bao bì là tìm được tôi, tôi sẽ chịu trách nhiệm.”
Nhiều người dân Trung Quốc yêu thích Lao Gan Ma không chỉ vì hương vị đặc trưng, mà vì hình ảnh bà Đào Hoa Bích gợi nhớ đến những người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình: giản dị, tóc ngắn hoặc búi thấp, nhưng đầy trí tuệ và kiên cường.