J.K. Rowling trở lại hàng tỷ phú nhờ ‘vũ trụ Harry Potter’

Khổng Thị Phương
Từ một bà mẹ đơn thân từng sống nhờ trợ cấp xã hội, J.K. Rowling đã trở thành tỷ phú nhờ loạt sách Harry Potter. Dù từng rời khỏi danh sách tỷ phú vì quyên góp hàng trăm triệu USD cho hoạt động từ thiện, tác giả người Anh nay chính thức trở lại “câu lạc bộ ba dấu phẩy” với khối tài sản ước tính 1,2 tỷ USD, theo Forbes.

J.K. Rowling, Harry Potter, tỷ phú, HBO Max, Warner Bros., sách Harry Potter

Khối tài sản khổng lồ của Rowling không chỉ đến từ sách, mà còn từ những dự án phim, sân khấu, trò chơi điện tử và các công viên chủ đề gắn liền với thế giới phù thủy do bà tạo ra. Chỉ riêng trong bốn năm gần đây, kể từ lúc Rowling bắt đầu công khai các quan điểm gây tranh cãi về quyền người chuyển giới, bà vẫn kiếm hơn 80 triệu USD mỗi năm từ việc khai thác thương hiệu Harry Potter trên nhiều nền tảng.

Hiện tại, Rowling tiếp tục hưởng lợi từ dự án lớn nhất sắp tới: series Harry Potter mới của HBO Max dự kiến lên sóng cuối năm 2026 và kéo dài một thập kỷ. Forbes ước tính bà có thể thu về khoảng 20 triệu USD/năm từ dự án này, bên cạnh nhiều nguồn thu khác từ sân khấu, game, và sản phẩm ăn theo.

Trong gần ba thập kỷ kể từ khi “Harry Potter and the Philosopher’s Stone” ra mắt năm 1997, Rowling đã xây dựng một thương hiệu có sức sống bền bỉ không kém những tượng đài như Sherlock Holmes hay James Bond. Theo khảo sát của Habo Studio, Harry Potter hiện là thương hiệu mạnh thứ sáu trong ngành giải trí Mỹ và đứng đầu trong nhóm thế hệ Millennials.

Warner Bros. đã nhìn thấy tiềm năng của Harry Potter ngay từ đầu, khi mua bản quyền làm phim trước khi cuốn sách đầu tiên ra mắt công chúng. Đến năm 2001, khi phần phim đầu tiên ra rạp, Rowling đã bán hơn 100 triệu bản sách, chính thức bước vào hàng triệu phú. Chỉ hai năm sau, doanh số sách Harry Potter đã đạt 250 triệu bản, tạo nền tảng cho khối tài sản đầu tiên của bà.

Series phim Harry Potter sau đó thu về gần 7,7 tỷ USD toàn cầu, trở thành loạt phim có doanh thu cao nhất thế giới tính đến năm 2011. Nhờ những điều khoản khôn ngoan trong hợp đồng, Rowling được hưởng phần trăm lợi nhuận phim, giữ vai trò nhà sản xuất điều hành ở hai phần phim cuối và đặc biệt có quyền kiểm soát mọi phần tiếp theo không do chính bà chấp bút.

Chính điều khoản đó giúp Rowling thương lượng để tự viết kịch bản cho ba phim Fantastic Beasts. Dù phần ba phát hành năm 2022 thất bại nặng về doanh thu (chỉ thu về 400 triệu USD so với chi phí sản xuất hơn 250 triệu USD), tên tuổi Rowling vẫn không bị “xóa sổ”.

J.K. Rowling, Harry Potter, tỷ phú, HBO Max, Warner Bros., sách Harry Potter

Trên sân khấu, vở kịch “Harry Potter and the Cursed Child” đã bán hơn 11 triệu vé, thu về hơn 1 tỷ USD kể từ khi công diễn năm 2016. Rowling cũng thu lời từ series truyền hình “C.B. Strike” dựa trên tiểu thuyết trinh thám bà viết dưới bút danh Robert Galbraith.

Mảng game cũng bùng nổ với “Hogwarts Legacy”, tựa game bán chạy nhất năm 2023 với 24 triệu bản và doanh thu hơn 1 tỷ USD. Thành công này khiến Warner Bros. càng muốn đầu tư sâu vào thế giới phù thủy. Chính vì thế, ngay sau khi lên nắm quyền năm 2022, CEO David Zaslav đã bay tới Scotland gặp Rowling để bàn cách phát triển thêm nội dung mới.

Bên cạnh sách và phim, các công viên chủ đề Wizarding World đã trở thành “con gà đẻ trứng vàng”. Kể từ khi khu Harry Potter đầu tiên mở tại Universal Orlando năm 2010, lượng khách tăng 36% còn doanh thu nhảy vọt 40%. Công viên Harry Potter nay có mặt tại Orlando, Hollywood, Tokyo, Bắc Kinh và mới nhất tại Osaka, Nhật Bản. Rowling hưởng phần trăm trên từng món hàng được bán tại các khu vực Harry Potter, từ đũa phép, khăn quàng cho đến bia bơ.

Sách vẫn là nguồn thu lớn nhất của Rowling. Dòng Harry Potter đã bán hơn 600 triệu bản toàn cầu, đứng trên bảng xếp hạng The New York Times suốt 843 tuần. Kịch bản “Cursed Child” bản sách cứng từng bán hơn 4 triệu bản chỉ trong bốn tháng. Ngoài ra, bà còn ra mắt năm tiểu thuyết trinh thám dưới tên Robert Galbraith.

Rowling cũng sáng lập Pottermore Publishing để tự phát hành ebook, đem lại cho bà hàng triệu USD mỗi năm.

Bên cạnh khối tài sản đồ sộ, Rowling đã quyên góp hơn 250 triệu USD trong 20 năm qua cho ba lĩnh vực chính: tổ chức Lumos giúp hơn 280.000 trẻ em mồ côi trên thế giới; quỹ Volant hỗ trợ nạn nhân bạo lực tình dục và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Scotland; và Phòng khám thần kinh Anne Rowling Regenerative Neurology Clinic nghiên cứu bệnh lý thần kinh mà mẹ bà từng mắc phải.

Tuy giàu có, Rowling luôn khẳng định bà sẽ không dọn đi “thiên đường thuế”. Năm 2010, bà viết rằng muốn các con bà trở thành “công dân của một đất nước thực sự”, chứ không phải “những kẻ lạc lõng sống ngoài vòng pháp luật ở thiên đường thuế”. Bà coi việc nộp thuế là “lòng yêu nước” và là cách đền đáp cho những năm tháng từng nhờ cậy vào phúc lợi xã hội Anh.

Dẫu đối diện nhiều tranh cãi, Rowling vẫn không ngần ngại thể hiện sự tự tin trên mạng xã hội, thậm chí dùng chính khối tài sản của mình để phản bác những người chỉ trích. Khi một người dùng mạng từng hỏi: “Bà ngủ được không khi biết đã mất đi một lượng lớn độc giả vì những phát ngôn của mình?”, Rowling đáp ngắn gọn: “Tôi xem mấy tấm séc nhuận bút gần đây, thấy nỗi đau biến mất ngay lập tức.”