Ngày còn ngồi ghế giảng đường, nhiều bạn trẻ Trung Quốc mơ tới tương lai sáng lạn với công việc văn phòng ổn định, lương cao, cuộc sống sung túc. Nhưng thực tế bây giờ khác xa giấc mơ. Khắp các đô thị lớn nhỏ, người ta nhìn thấy thế hệ trẻ lăn lộn đủ nghề, sáng dạy học, chiều giao hàng, tối livestream – chỉ để duy trì mức sống tối thiểu.
“Một thân ba việc” – đó là cách mà không ít thanh niên định nghĩa chính mình. Họ gọi nhau là “slash youth”, thế hệ “dấu gạch chéo” bởi phải ghi sau tên mình nhiều chức danh: viết lách / bán hàng / thiết kế, hay giao hàng / chỉnh video / dạy kèm. Nếu trước đây, “slash” từng là biểu tượng của tham vọng đa tài thì nay, nó đơn giản chỉ là cách để… đủ ăn.
Sống sót nhờ tay trái
Lin Yuhan, 24 tuổi, tốt nghiệp marketing tại Thành Đô, giờ xoay sở với đủ thứ việc lặt vặt. Cô chia sẻ:
“Tôi vẫn gửi hồ sơ xin việc mỗi tuần nhưng chẳng ai trả lời. Giờ tôi vừa dạy kèm, vừa làm thiết kế tờ rơi, cuối tuần lại phục vụ quán trà sữa. Không phải ước mơ, nhưng ít ra giúp tôi tự nuôi bản thân. Tôi chưa muốn quay về quê, trừ khi thật sự không còn đường.”
Trường hợp của Lin không hề cá biệt. Zhang Rui, từng làm ngành bất động sản ở Thâm Quyến, bị sa thải khi thị trường lao dốc. Giờ anh quay về quê ở Hà Nam, chạy giao hàng, quay video đám cưới và thỉnh thoảng livestream… sửa xe đạp. Zhang nói đầy thực tế:
“Không nghề nào đủ sống nếu làm riêng lẻ. Phải gom hết thì mới trả nổi tiền sinh hoạt. Tôi không còn tin vào chuyện có một công việc ổn định nữa.”
Cái giá của “đa nghề”
Thống kê chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 16-24 tuổi ở đô thị Trung Quốc hiện còn gần 15%, nhưng các chuyên gia khẳng định con số thực có thể vượt 20%, vì không tính tới sinh viên mới ra trường. Khủng hoảng bất động sản, siết quản lý các ngành công nghệ, giáo dục tư nhân và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cơ hội việc làm giảm mạnh.
Trước kia, giấc mơ của nhiều sinh viên là chen chân vào ngành công nghệ, tài chính hay làm công chức – những ngành từng hứa hẹn mức lương cao, phúc lợi tốt. Nhưng nay, những cánh cửa đó ngày càng hẹp. Nhiều người trẻ buộc phải lấn sang những nghề tự do, linh hoạt – hay còn gọi là kinh tế gig.
Thế nhưng, môi trường gig economy không phải thiên đường. Người trẻ phải phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ với thuật toán khắt khe, ép họ luôn sẵn sàng bất kể giờ giấc. Áp lực thể chất, tinh thần tăng vọt. Không ít bạn trẻ mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm vì bấp bênh thu nhập và thiếu bảo hiểm xã hội.
Tương lai… chưa kịp định hình
Các chuyên gia cảnh báo: Trung Quốc cần tái thiết giáo dục nghề, tăng cường luật bảo vệ lao động trong gig economy và tạo ra thêm công việc ổn định trong những lĩnh vực như y tế, năng lượng xanh hay sản xuất công nghệ cao.
Bởi giờ đây, với rất nhiều người trẻ, con đường từ giảng đường tới văn phòng, mua nhà, lập gia đình không còn là lối mòn tất yếu. Thay vào đó, họ tự vẽ cho mình hàng loạt vai trò chắp vá – chỉ để bấu víu vào cuộc sống. Nhưng làm ba, bốn nghề cùng lúc, không ai chắc đó là bến bờ an toàn hay chỉ là… lối thoát tạm bợ.
“Slash youth” đang trở thành diện mạo mới của xã hội Trung Quốc – vừa phản ánh sự năng động, vừa phơi bày thực trạng bất ổn của một thế hệ loay hoay tìm đường giữa sóng gió kinh tế.