Sáng ngày 9/5, tại Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TP.HCM (HCMC C4IR), Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã có buổi làm việc với Ban điều hành HCMC C4IR, cùng đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Sự kiện là bước chuyển mình thể hiện rõ tầm nhìn công nghệ quốc gia, với trọng tâm là TP.HCM – địa phương sẵn sàng bước vào trung tâm của bản đồ chuyển đổi số, bằng tâm thế chủ động, bản lĩnh và khát vọng dẫn đầu.
Ông Lê Trường Duy - Giám đốc HCMC C4IR - trình bày các nội dung tại sự kiện.
Thành lập vào tháng 9/2024, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), HCMC C4IR đang định hình vai trò chiến lược trong việc dẫn dắt khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Là một trong hai trung tâm đầu tiên trên toàn cầu do chính quyền địa phương đồng sáng lập cùng WEF, HCMC C4IR hoạt động với tư cách đơn vị sự nghiệp công lập, vận hành theo cơ chế tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Trung tâm hướng đến xây dựng thể chế đổi mới, phát triển kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh và công nghệ cao, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Trường Duy - Giám đốc HCMC C4IR cho biết, tính đến tháng 5/2025, sau chưa đầy một năm đi vào hoạt động, HCMC C4IR đã từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy và cơ sở vật chất tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, chuẩn bị đưa vào hoạt động cơ sở thứ hai tại trung tâm Thành phố. Với gần 30 chuyên gia, cán bộ làm việc trực tiếp và mạng lưới rộng khắp gồm chuyên gia trong nước, quốc tế, Trung tâm đã chủ trì nghiên cứu và đề xuất các chính sách lớn như: chính sách quốc gia về AI lượng tử, lộ trình chuyển đổi năng lượng, quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu và áp dụng các bộ công cụ của WEF như Lumina cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song song đó, Trung tâm đang triển khai 16 đề án trọng điểm của Thành phố, trải rộng từ nghiên cứu chính sách đến ứng dụng công nghệ và mô hình thí điểm sandbox. Các đề án tiêu biểu như: Ứng dụng AI trong quản trị thành phố; chiến lược 5G cho kinh tế ngành; chuyển đổi số và tài chính xanh trong y tế; chatbot AI phục vụ điều hành kinh tế; nền tảng Sàn giao dịch quốc tế về công nghệ…
Không đứng riêng rẽ, HCMC C4IR là một mắt xích trong mạng lưới 24 trung tâm C4IR toàn cầu của WEF, cũng như duy trì quan hệ hợp tác chiến lược với nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ADB, OECD… Trong nước, Trung tâm quy tụ sự tham gia đồng sáng lập của nhiều tập đoàn lớn và đại học trọng điểm, tạo nên hệ sinh thái đổi mới mở, thực tiễn và bền vững.
Trong chiến lược dài hạn, Trung tâm đang phát triển ba đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về kết nối tiên tiến, sản xuất thông minh và trí tuệ nhân tạo, dự kiến ra mắt năm 2026. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt cho quá trình chuyển giao công nghệ và tạo ra các giải pháp ứng dụng mang tính đột phá cho nền kinh tế số Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, ông Hoàng Minh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, Bộ đánh giá cao vai trò của TP.HCM trong việc triển khai các mô hình thử nghiệm công nghệ mới, cũng như trong việc kết nối doanh nghiệp công nghệ quốc tế với thị trường Việt Nam.
Theo Lãnh đạo Bộ, TP.HCM có vai trò đặc biệt trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. HCMC C4IR không phải là tổ chức nghiên cứu khép kín, mà là một nền tảng mở, nơi tri thức được luân chuyển và chuyển hóa thành giải pháp thực tiễn cho xã hội. Những thử nghiệm công nghệ tại đây nếu khả thi sẽ mang lại giá trị không chỉ cho Thành phố, mà còn là mô hình tham chiếu cho cả nước. Ông Hoàng Minh cũng bày tỏ kỳ vọng HCMC C4IR không chỉ là một trung tâm nghiên cứu thuần túy, mà sẽ là nơi dẫn dắt doanh nghiệp đổi mới, đồng thời là nơi cung cấp các khuyến nghị chiến lược cho chính quyền Thành phố, chẳng hạn như tham gia xây dựng chính sách cho Quỹ đầu tư mạo hiểm, thí điểm Sàn gọi vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, chiến lược giải quyết bài toán nhân sự, đề ra phương án triển khai ngay mô hình thí điểm sandbox…
Ông Hoàng Minh (giữa) - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - trao đổi cùng các đại biểu tại HCMC C4IR.
Điểm đáng chú ý tại buổi làm việc là sự thống nhất cao giữa các bên trong việc xem doanh nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Khác với tư duy truyền thống xem công nghệ là sản phẩm của viện nghiên cứu, xu hướng hiện đại cho thấy chính doanh nghiệp mới là nơi công nghệ được hiện thực hóa, được kiểm chứng và tạo ra giá trị kinh tế. Ở góc độ này, ông Hoàng Minh cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đang gặp khó khăn ở khâu phát triển thị trường, do đó, việc cần làm là triển khai cụ thể các cách thức thu hút doanh nghiệp tìm đến và gắn bó lâu dài bằng cách mang lại lợi ích thực chất cho các bên. Bên cạnh đó, HCMC C4IR cũng cần sớm hoàn thiện quy chế vận hành, cách thức phối hợp trong công việc để có thể phát huy tối đa vai trò kết nối giữa doanh nghiệp công nghệ trong nước với mạng lưới toàn cầu, đặc biệt là qua hợp tác với các đối tác quốc tế của WEF…
Theo ông Lê Trường Duy, với phương châm “Kết nối – Hội tụ – Lan tỏa – Vươn xa”, Trung tâm hướng tới xây dựng hệ sinh thái toàn diện, huy động sức mạnh đa ngành và liên kết quốc tế để phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhằm phát huy tối đa vai trò này, HCMC C4IR cũng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Thành phố ban hành cơ chế phối hợp chặt chẽ giai đoạn 2025–2030; đồng thời đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, hỗ trợ tiếp cận nguồn lực tài chính và tham gia sâu vào các chương trình quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đại diện HCMC C4IR cho biết thêm, trong tháng 5 năm nay, Trung tâm dự kiến sẽ trình chính quyền Thành phố đề án về phát triển Sàn giao dịch công nghệ quốc tế nhằm phát triển công nghệ trong các lĩnh vực then chốt như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới và công nghệ xanh, tạo nên “điểm hội tụ” giữa nhu cầu thị trường và năng lực nghiên cứu. Nếu triển khai thành công, mô hình sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với các công nghệ mới, tạo ra thị trường công nghệ thực sự, nơi tài sản trí tuệ được định giá một cách xứng đáng.
Ông Nguyễn Anh Thi - Chuyên viên cấp cao - HCMC C4IR phát biểu tại buổi làm việc.
Với sự hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự chủ động và quyết tâm mạnh mẽ từ phía TP.HCM, buổi làm việc tại HCMC C4IR sáng ngày 9/5 là điểm khởi đầu cho chuỗi cam kết hành động, đồng thời, mang theo một thông điệp mạnh mẽ: Việt Nam nghiêm túc với tương lai công nghệ, và TP.HCM là nơi mà tương lai đó bắt đầu được kiến tạo.
Ông Hoàng Minh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tại HCMC C4IR sáng ngày 9/5.