Gần đây, một xu hướng mới đang lan truyền mạnh mẽ tại Trung Quốc: dịch vụ chụp ảnh kỷ niệm ly hôn. Xu hướng này, xuất hiện từ tháng 9, đã nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn luận trên mạng xã hội, nhận được không ít sự chú ý, cả ủng hộ lẫn chỉ trích.
Bức ảnh gây xôn xao mạng xã hội
Một trong những hình ảnh nổi bật của trào lưu này được chia sẻ bởi nhiếp ảnh gia Xiao Zhao trên nền tảng Xiaohongshu vào ngày 17/12. Bài đăng nhanh chóng thu hút hơn 13.000 bình luận và 15.000 lượt thích, với vô số ý kiến trái chiều.
Một người dùng mỉa mai: “Ly hôn cũng phải làm màu, thuê cả nhiếp ảnh gia. Xong rồi họ định tổ chức tiệc ăn mừng nữa à?”. Một người khác băn khoăn: “Nếu còn thời gian để chụp ảnh, tại sao không dành để làm hòa?”.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc này là cách để đối diện với thực tế ly hôn, coi đó như một dấu mốc giải phóng bản thân khỏi mối quan hệ không hạnh phúc. Một số còn xem đây là cách ghi lại kỷ niệm về chương đã khép lại của đời mình.
Xu hướng "ly hôn đầy nghệ thuật"
Tan Mengmeng, một nhiếp ảnh gia 28 tuổi tại tỉnh Hà Nam, đã bắt kịp làn sóng này và mở rộng dịch vụ từ chụp ảnh cưới sang ghi lại khoảnh khắc chia tay của các cặp đôi. Theo Tan, ly hôn cũng là một sự kiện đáng được lưu giữ, tương tự như niềm vui của ngày kết hôn.
Dữ liệu cho thấy, số lượng kết hôn tại Trung Quốc đã giảm mạnh, từ 13 triệu cặp vào năm 2013 xuống còn chưa tới 7 triệu vào năm 2022 – mức thấp nhất trong gần 40 năm. Ngược lại, số vụ ly hôn lại gia tăng, đạt đỉnh 4,7 triệu vào năm 2019, cao gấp bốn lần so với hai thập kỷ trước.
“Ly hôn không phải điều đáng xấu hổ,” Tan chia sẻ. “Đó là biểu hiện của sự can đảm để bắt đầu lại. Cả hai bên đều muốn lưu giữ những kỷ niệm đẹp, dù đã chọn cách rời xa nhau.”
Đằng sau những bức ảnh ly hôn
Không phải buổi chụp ảnh nào cũng tràn ngập niềm vui. Có những giọt nước mắt tiếc nuối, như trường hợp một cặp đôi tái hiện buổi hẹn đầu tại nhà hàng quen thuộc trước khi quyết định dừng lại. Ngược lại, cũng có những buổi chụp đầy căng thẳng khi một bên lạnh lùng, thờ ơ, trong khi người kia khóc nức nở.
Tan luôn cố gắng giữ sự công bằng, yêu cầu cả hai bên cùng chia sẻ chi phí dịch vụ như một lời nhắc nhở về trách nhiệm và sự tôn trọng lẫn nhau, ngay cả khi mối quan hệ đã chấm dứt.
Dịch vụ "xóa dấu vết hôn nhân"
Không chỉ dừng lại ở việc chụp ảnh, nhiều người còn tìm đến các dịch vụ giúp xóa sạch mọi kỷ niệm liên quan đến hôn nhân. Cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 100 km, Liu Wei và đội ngũ của mình vận hành một “nhà xác ảnh cưới” – nơi mà những bức ảnh cưới cũ được phun sơn che mặt, sau đó bị nghiền nát cùng các kỷ vật tình yêu khác.
Quá trình này thậm chí được quay lại, như một nghi thức để giúp khách hàng cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Với chi phí từ 8-28 USD, dịch vụ này đã phục vụ hơn 2.500 cặp đôi kể từ năm 2021.
Liu ví công việc của mình như một liệu pháp tâm lý, giúp khách hàng vượt qua nỗi đau chia ly và chuẩn bị cho khởi đầu mới.
Trước sự gia tăng tỷ lệ ly hôn, các dịch vụ liên quan đến chia tay đang bùng nổ tại Trung Quốc, phản ánh sự thay đổi trong quan niệm về hôn nhân và tự do cá nhân. Trong một xã hội ngày càng đề cao sự phát triển cá nhân, những dịch vụ này dường như không chỉ là xu hướng mà còn là cách để nhiều người tìm lại chính mình sau những rạn nứt trong cuộc sống.