Sự bùng nổ của xu hướng matcha đang ghi dấu rõ nét tại Việt Nam, khi nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi hàng triệu đồng để mua bột matcha về pha chế tại nhà, bất chấp giá mặt hàng này liên tục leo thang.
Hoàng Dung, 22 tuổi, sống ở TP.HCM, chia sẻ cô đã chi tới 7-8 triệu đồng cho đủ loại bột matcha trong hơn một năm qua, với lọ đắt nhất lên tới 1,4 triệu đồng cho 100 gram. Tương tự, Trúc Thanh, 23 tuổi, không ngần ngại bỏ ra 140.000-150.000 đồng cho mỗi ly matcha ngoài quán, đồng thời mua sẵn bột matcha để tự pha tại nhà.
Theo số liệu từ nền tảng Metric.vn, từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2025, doanh thu nhóm sản phẩm matcha tại Việt Nam đạt 226,4 tỷ đồng, với hơn 2,8 triệu sản phẩm được bán ra trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, riêng bột matcha để pha đồ uống chiếm đến 170 tỷ đồng doanh thu.
Shopee hiện chiếm thị phần lớn nhất với gần 165 tỷ đồng, tiếp theo là TikTok Shop với khoảng 58 tỷ đồng. Metric.vn cho biết thời điểm xu hướng matcha “bùng nổ” trên mạng xã hội cũng trùng với giai đoạn doanh số tăng mạnh, có tuần chạm tới 25 tỷ đồng.
Khách hàng trên Shopee chủ yếu mua bột matcha ở phân khúc giá 150.000-200.000 đồng, đạt tổng doanh số khoảng 38 tỷ đồng trong một năm rưỡi. Trong khi đó, TikTok Shop ghi nhận doanh thu cao nhất ở phân khúc 200.000-350.000 đồng.
Mặc dù nhiều nước đang phát triển các loại matcha riêng, sản phẩm từ Nhật Bản vẫn giữ vị thế hàng đầu. Người tiêu dùng Việt đã chi khoảng 88 tỷ đồng cho các sản phẩm matcha Nhật, với Shopee đóng góp hơn 66 tỷ đồng doanh số.
Tuy nhiên, nguồn cung matcha Nhật Bản đang đối mặt áp lực lớn khi nắng nóng kỷ lục tại nước này khiến sản lượng trà xanh sụt giảm. Vùng Kyoto, chiếm khoảng 25% sản lượng Tencha – nguyên liệu sản xuất matcha – bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt nắng gay gắt trong năm qua, khiến vụ thu hoạch tháng 4 và 5 đạt sản lượng thấp.
Một số cửa hàng tại Nhật Bản đã phải hạn chế số lượng matcha bán ra nhằm tránh tình trạng thiếu hàng. Theo Reuters, năm 2024 cũng ghi nhận mức giá matcha Nhật cao nhất lịch sử, với giá Tencha tại Kyoto lên tới 8.235 yen (khoảng 57 USD)/kg, tăng 170% so với năm trước và vượt xa kỷ lục cũ năm 2016.
Chị Minh Thùy, chủ chuỗi đồ uống Kocha Matcha Spot, cho biết lượng khách của chuỗi đã tăng gấp đôi so với thời điểm mới mở, khiến việc tìm nguồn nguyên liệu ổn định trở thành bài toán khó.
“Chúng tôi buộc phải tìm thêm nhà cung cấp để xoay vòng, nhưng vẫn cố đảm bảo chất lượng đồng đều để giữ hương vị đặc trưng,” chị Thùy chia sẻ. Giá nhập matcha loại trung bình hiện dao động 4.000-5.000 đồng/gram, còn loại cao cấp có thể lên tới 15.000-20.000 đồng/gram.
Chị Thùy cho biết đang cân nhắc sử dụng matcha từ Việt Nam hoặc Đài Loan thay thế nếu chất lượng đảm bảo tương đương. Thực tế, bột trà xanh Đài Loan đang có nhiều tiềm năng với tổng doanh số khoảng 12 tỷ đồng từ đầu năm ngoái đến nay. Một số tuần, mặt hàng này đạt doanh số tới 2 tỷ đồng.
Với giá thành thấp hơn, matcha Việt Nam hay Đài Loan được đánh giá phù hợp với các quán nhỏ hoặc các thương hiệu không chuyên về matcha. Đồng thời, hương vị đặc trưng của bột trà xanh Đài Loan cũng được nhiều bạn trẻ Việt yêu thích, giúp mặt hàng này vẫn giữ được chỗ đứng trên thị trường.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cho thấy xuất khẩu trà xanh, bao gồm matcha, của nước này tăng 25% về giá trị trong năm 2024, đạt 36,4 tỷ yen (khoảng 252 triệu USD), nhờ nhu cầu ngày càng lớn đối với các sản phẩm trà bột. Về khối lượng, xuất khẩu trà xanh Nhật Bản cũng tăng 16%.